Cập nhật vào 14/07
Quả sấu được ví như biểu tượng của mùa hè ở miền Bắc. Ngoài công dụng giải khát còn có thể chế biến thành các món ăn tuyệt hảo. Ngoài ra còn rất nhiều điều thú vị về nguồn gốc, tác dụng của quả sấu mà có thể bạn chưa biết đó!
Quả sấu có nguồn gốc từ đâu?
Chi Sấu (tên khoa học là Dracontomelon) có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, chúng phân bố nhiều ở vùng Đông Nam Á, Miền nam Trung Quốc, các đảo trên Thái Bình Dương giáp với Philippines, Indonesia.
Cây Sấu là loài cây bản địa Việt Nam, chúng mọc tự nhiên trong rừng hay được trồng làm cây che bóng mát ở công viên hay đường phố ở các tỉnh phía Bắc Việt nam, ít gặp ở Nam Bộ. Cây hay được trồng ở nhiều nơi để lấy bóng mát và lấy quả, ưa trồng ở nơi đất cát pha. Sấu là loại cây có biên độ sinh thái rộng, khả năng thích hợp với khí hậu và đất đai Miền Bắc.

Đối với người dân Miền Bắc, cây sấu đã chẳng còn xa lạ gì. Ta có thể tham quan những cây Sấu trên 1000 năm tuổi tại khu rừng nguyên sinh ở Cúc Phương (Ninh Bình) hoặc lên thăm hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Hoặc chẳng đi đâu xa, Hà Nội là nơi có nhiều đường phố trồng cây sấu đẹp hơn hẳn các tỉnh khác. Quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẫn còn nhiều cây sấu cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc còn đang tỏa bóng quanh hồ, hay những đường phố có hàng cây sấu đẹp như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú,…
Sấu là cây xanh quanh năm, lúc nào trên cây cũng còn lá xanh nên rất được ưa chuộng dùng làm cây công trình cho các đô thị xanh sạch đẹp và ngày càng được trồng nhiều trên các đường phố.
Thánh 4, tháng 5, hoa sấu rụng đầy cả đường, đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời gian cây bắt đầu ra những quả non sau thời gian đằng đẵng thay lá kết hoa. Sau đó khoảng tháng 8, tháng 9, quả sấu non bắt đầu già đi và ngả sang màu vàng. Sấu là thức quà quen thuộc của người dân Hà Nội. Những cốc nước sấu dầm đường chua chua ngọt ngọt là món giải khát yêu thích của nhiều người, hay những món ăn ngon nhưng đơn giản từ sấu không thể nào thiếu trong các bữa cơm gia đình.

Dinh dưỡng trong quả sấu
Không chỉ vì hương vị chua chua quen thuộc mà quả sấu cũng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nên được nhiều người yêu thích. Quả sấu chín bao gồm:
- 80% nước
- 1% acid hữu cơ
- 1.3% protid
- 8.2% glucid
- 2.7% cellulose
- 0.8% tro
- 100mg% calcium
- 44mg% phosphor, với sắt
- 3mg% vitamin C.
Mùa sấu thường kéo dài 3 tháng, khoảng từ tháng 6 – 9 nên để có sấu ăn quanh năm, các gia đình thường mua về và bỏ ngăn đá tủ lạnh để bảo quản.
Quả sấu có tác dụng gì
Quả sấu lúc non có vị chua hơi chát, khi chín có vị chua ngọt, tính mát, theo Đông y có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, trị được nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa,…

Công dụng của quả sấu
Quả sấu chứa 80% nước, còn lại là các thành phần dinh dưỡng như axit hữu cơ, protid, glucid, canxi, photpho, sắt… Chính vì vậy, quả sấu còn có tác dụng như một vị thuốc điều trị, hỗ trợ nhiều bệnh.
- Tăng cường hệ tiêu hóa: Vị chua của sấu giúp kích thích tiêu hóa. Có thể uống nước sấu ngâm đường hoặc sấu nấu canh chua để giải nhiệt và tăng cường hệ tiêu hóa.
- Giải rượu: Nước sấu ngâm đường hoặc sấu khô hãm với nước sôi uống là phương pháp giải rượu cực hiệu quả rất ít người biết đến.
- Chữa ho hiệu quả: Sấu ngâm muối hay sấy tươi sắc với nước là bài thuốc chữa ho cực kì hiệu quả. Đặc biệt với trẻ em có thể lấy hoa sấu ngâm với mật ong cũng rất hữu hiệu, lại còn có hương vị thơm ngon ngọt miệng.
- Trị nhiệt miệng, đau rát cổ họng: Sấu chín dầm đường hoặc muối, cùi sấu khô sắc với nước uống.
Trị chứng nôn nghén cho phụ nữ mang thai: Sấu nấu canh cá diếc hoặc sấu om vịt giúp bà bầu không phải lo nôn nghén khi đang mang thai. - Giảm cân hiệu quả: Axit nitric trong quả sấu có tác dụng làm sạch đường ruột, loại bổ độc tố, cản trở quá trình hấp thụ đường vào máu, có khả năng đốt cháy và tiêu hủy chất béo trong cơ thể.
Những lưu ý khi ăn quả sấu và uống nước sấu
Quả sấu tươi thường có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan nên tránh dùng. Bạn cũng không nên ăn sấu khi đang đói vì nó không những khiến cồn cào trong bụng mà còn hại dạ dày.
Các đối tượng trẻ em dưới 12 tháng tuổi nên hạn chế sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa của những đối tượng này rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.
Sấu có thể giúp giảm cân, nhưng sấu được ngâm với đường có lượng đường vượt mức cho phép thì cũng không nên uống nhiều. Ăn nhiều đồ ngọt làm đường trong máu tăng, tụy phải hoạt động nhiều để giải phóng insulin điều chỉnh đường huyết. Nếu sự việc này diễn ra liên tục sẽ làm suy giảm chức năng tụy, tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch và huyết áp.

Cách làm quả sấu ngâm đường và những món ngon từ sấu
Hướng dẫn cách chọn sấu ngon
Rất nhiều người vẫn chưa có kinh nghiệm khi chọn sấu, chỉ chọn quả sấu xanh mướt, da mịn, trơn bóng. Thực chất những quả sấu này thường còn non, không ngon, chỉ nên mua về để nấu trong ngày.
Sấu non có nhiều thịt nhưng hạt lại mềm, khi ngâm rất dễ bị ủng. Để làm món sấu ngâm giòn, để được lâu, nhiều thịt mà không bị ủng thì chị em hãy chọn loại quả vừa đủ già, cùi dày, vỏ hơi sần và cứng. Chị em có thể lựa chọn loại sấu bánh tẻ vì thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, chỉ cần ngâm ít quả mà vẫn nấu được nồi canh ngon lành.
Cũng không nên chọn quả sấu quá già, hạt to vì thịt sấu mỏng, chỉ gọt vỏ cũng vào gần đến hạt. Nên chọn kỹ từng quả một để mua được sấu đủ tiêu chuẩn, không thâm, dập và thối.
Trong các món ngon làm từ sấu không thể không kể đến thức uống yêu thích của mọi người mỗi dịp hè về. Những cốc nước sấu ngâm đường vừa ngon vừa đã khát khiến bao người đổ đứ đừ.

Cách làm sấu ngâm đường
Sấu ngâm đường rất được ưa chuộng khi hè đến, là thức uống giải khát được vạn người mê khi hè về. Mỗi khi hè về hầu như nhà nào cũng phải trữ sẵn 1 lọ sấu ngâm đường ở trong nhà. Cách làm sấu ngâm đường cũng rất đơn giản, làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Sấu: 1kg (Cách lựa chọn tham khảo nội dung bên trên, không nên chọn những quả quá non hay quá già, hoặc những quả bị thâm, dập, nát).
- Đường: 1kg.
- Gừng: 2-3 củ.
- Lọ đựng bằng thủy tinh sạch và khô.
Bước 2: Sơ chế
Sau khi mua sấu về, bạn đem sấu rửa sạch rồi dùng dao cạo vỏ sấu. Chú ý cạo vỏ đến đâu thì cho ngay vào chậu nước muối loãng để vỏ sấu không bị thâm.
Sau khi cạo xong, bạn rửa sạch sấu và dùng dao khía xung quanh quả sấu theo hình xoắn ốc để sấu ngấm đường nhanh hơn. Chú ý làm thật khéo léo để phần vỏ không bị đứt ra khỏi hột nhé. Khía xong quả sấu nào, bạn cho ngay vào nước muối loãng để sấu không bị thâm. Nếu quả sấu còn non, bạn để nguyên quả và dùng dao khía thành 2 đường bao quanh quả sấu.
Nếu muốn làm sấu ngâm đường để lâu, bạn hãy để nguyên cả quả mà không cần khía nữa. Sau đó, mang sấu đi xả với nước lạnh cho sạch.
Muốn ngâm sấu giòn ngon và không bị nổi váng, bạn cần làm thêm một bước nữa. Đun sôi một nồi nước và chần qua sấu cho tới khi quả sấu ngả màu vàng thì tắt bếp. Sau đó, bạn đổ sấu ra rổ cho nguội và ráo nước.
Bước 3: Ngâm sấu với đường
Có 2 cách ngâm sấu ngon và giòn, không bị váng, bạn hoàn toàn có thể áp dụng một trong hai cách này.
- Cách 1: Ngâm sấu theo kiểu 1:1, tức là 1 lớp sấu và 1 lớp đường. Cho 1 lớp sấu vào lọ thủy tinh, sau đó đổ 1 lớp đường và lên, cứ như thế cho đến khi hết sấu và đường. Bạn để lọ thủy tinh ở nơi khô ráo và đậy kín khoảng 1 ngày cho đường tan hết và ngấm vào sấu. Khi đó, còn một lượng nhỏ đường chưa tan sẽ chìm xuống dưới đáy. Bạn chắt hết nước sấu ra một chiếc nồi, thêm một nhúm muối và đun sôi lên, thả thêm một ít gừng đập dập lên cho thơm. Đun sôi nước sấu khoảng 3 phút thì tắt bếp và đợi cho nước nguội rồi đổ trở lại bình thủy tinh ngâm cùng với sấu.
- Cách 2: Bạn có thể nấu sôi nước đường trước khi cho sấu vào ngâm. Với cách làm này thì đảm bảo là món sấu ngâm đường sẽ không bao giờ bị đóng váng. Khi nước đường sôi, bạn thả gừng đã đập vào cho thơm sau đó tắt bếp, chờ cho nước nguội hoàn toàn thì bắt đầu đổ sấu vào ngâm.
Với cả 2 cách ngâm sấu trên, chỉ sau khoảng 3-4 ngày bạn có thể uống nước sấu mình làm rồi. Khi uống, bạn chỉ cần lấy 2 thìa nước sấu cùng 2-3 quả sấu cho vào cốc, cho thêm nước lọc và đường nếu cần thiết, cuối cùng thả thêm vài viên đá để thưởng thức.

Món ngon khác từ sấu
Sấu có thể tạo thành nhiều món ngon, sấu ngâm đường chỉ là một trong số đó. Cùng tìm hiểu 5 món ngon khác từ sấu mà bạn nên biết để trổ tài cho gia đình cùng thưởng thức nhé.
Vịt om sấu
Nguyên liệu:
- Vịt: 1/2 con.
- 10 – 15 quả sấu xanh.
- 2 mớ rau rút
- 0,2kg khoai sọ.
- 1 quả dừa xiêm lấy nước
- nấm hương.
- Hành, tỏi, sả, rau sống như rau mùi ta, rau ngổ.
- Gia vị: chanh, muối, đường, sa tế, hạt tiêu, gừng, hành củ, hành lá, sả, tỏi, giềng.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế:
Nấm hương rửa sạch (chú ý rửa kỹ), sau đó ngâm với nước ấm đến khi mềm thì vớt ra rổ, rửa kỹ với nước lạnh.
Nước ngâm nấm chắt lấy 2/3 bỏ lại 1/3 là nước cặn.
Rau rút nhặt sạch, hành lá, sả, gừng, tỏi, hành củ, khoai sọ…bỏ vỏ, nhặt sạch, sau đó đem đi rửa.
Vịt mua về bóp với muối, rửa lại cho sạch, sau đó cắt ½ quả chanh xát lại phần da của vịt cho hết sạch mùi, dùng kéo hoặc dao chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Sấu xanh cạo vỏ, rửa sạch, hành, tỏi, sả xắt lát mỏng.
Bước 2: Làm món chính
Ướp thịt vịt với sa tế, hạt tiêu, bột nêm, bột ngọt, một chút đường trắng, 1 thìa cafe muối, ½ thìa cafe đường trong khoảng 20-30 phút cho vịt ngấm gia vị.
Sau khi ướp thịt vịt, đun dầu nóng già cho hành, tỏi, sả vào phi thơm. Vịt ướp đủ thời gian, đem xào cho chín sơ.
Đổ phần nước ngâm nấm và nước dừa vào, sao cho lượng nước tương đương với lượng thịt, rồi cho sấu xanh vào. Thêm vài miếng khoai sọ để nước dùng thêm đặc sánh.
Đun sôi 5 phút vặn nhỏ lửa, đun tới khi thịt chín mềm cho nấm hương vào, bật lửa to đun sôi lại, sau đó dầm sấu, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Vịt om sấu là món ăn vô cùng nổi tiếng, đứng đầu danh sách trong các món ngon từ sấu tươi. Thịt vịt được om chín mềm, nước đậm đà, ngầy ngậy, hòa quyện với vị chua thanh mát của quả sấu, rất thích hợp dùng trong các bữa cơm sum họp gia đình ngày cuối tuần.

Sấu ngâm mắm
Nguyên liệu:
- 300g sấu xanh
- 100ml nước sôi để nguội
- 300ml nước mắm ngon
- 8 quả ớt chỉ thiên
- 2 củ tỏi
- Gia vị: Muối, đường
- Dụng cụ: Lọ thủy tinh, nồi inox, bát tô,…
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sấu đem đi sơ chế, cách làm tham khảo phần sấu ngâm đường ở trên, nhưng khi chần sấu không cần cho gừng.
Ớt chỉ thiên đem rửa sạch, cắt bỏ cuống và thái thành lát mỏng.
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, có thể để nguyên tép hoặc thái lát mỏng.
Lọ thủy tinh đem tráng qua bằng nước sạch, dùng khăn khô lau cho sạch nước..
Bước 2: Pha chế nước mắm ngâm sấu
Cho 100ml nước lạnh, 300ml nước mắm vào nồi, bật bếp đun sôi khoảng 2 phút thì thả ớt và tỏi vào.
Sau khi nước sốt sôi, cho thêm 3 thìa đường vào, khuấy đều rồi tắt bếp, chờ nguội.
Bước 3: Ngâm sấu với nước mắm
Xếp sấu vào lọ thủy tinh, thả xen kẽ tỏi và ớt để ngấm vị cay vào từng quả.
Đổ hỗn hợp nước mắm vừa làm vào sao cho ngập sấu rồi đậy kín nắp.
Ngâm sấu trong khoảng 4 – 5 ngày là được.
Sau khi đã thực hiện xong công thức làm sấu ngâm mắm trên, bạn chỉ cần lấy ra và thưởng thức thành quả của mình. Sấu ngâm mắm ớt có vị chua chua, mặn mặn, giòn ngon cùng mùi thơm đặc trưng của tỏi, vị cay của ớt. Để tránh tình trạng sấu ngâm mắm bị nổi váng khi dùng, chị em nên dùng đũa sạch để gắp sấu ra rồi đậy kín nắp. Bảo quản lọ sấu ở nơi khô ráo, thoáng mát, có thể đặt trong ngăn mát tủ lạnh.

Ô mai sấu xào gừng
Nguyên liệu:
- 1 kg sấu xanh.
- 1kg đường kính.
- 200g gừng tươi.
- 3 thìa cà phê muối
- 2 lít nước vôi trong
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Khía sấu thành hình múi, dùng dao đập dập quả sấu đã khía,sau đó ngâm vào nước vôi trong khoảng 30 phút, sau khi ngâm xong thì rửa sạch với nước cho hết mùi vôi.
Gừng rửa sạch, đập dập, băm nhỏ.
Bước 2: Làm ô mai sấu
Cho sấu và gừng vào bát to, đổ 0.9kg đường vào ướp. Ngâm cho tới khi đường tan hết.
Đổ phần sấu đã ướp đường vào nồi hoặc chảo có đế dày, cho thêm 1 thìa cafe muối rồi đun nhỏ lửa. Tiếp tục đun cho tới khi đường keo lại và sấu chuyển sang màu hổ phách.
Sau khi xong đem sấu đi phơi khô hoặc cho vào lò sấy.
Ô mai sấu xào gừng thơm phức, dẻo ngon cộng với vị chua ngọt đặc trưng của sấu và vị cay của gừng là món ăn tuyệt vời để nhâm nhi lúc rảnh rỗi.

Tôm xào sấu chua
Nguyên liệu:
- 9 quả sấu
- 0,5kg tôm sú
- 2 quả ớt chuông (1 quả xanh, 1 quả vàng).
- Gia vị:Ớt tươi và tỏi băm nhuyễn, đường, hạt nêm, dầu hào và dầu ăn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế
Sấu cạo vỏ rồi thát lát.
Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ và rút chỉ đen chừa lại phần đuôi.
Ớt chuông làm sạch cắt miếng vuông.
Bước 2: Làm món chính
Phi thơm ớt và tỏi sau đó cho sấu vào xào vừa chín tới.
Cho lần lượt phần tôm và ớt chuông vào xào cùng. Khi tất cả đã tái chín, nêm nếm gia vị và cho thêm 2 muỗng cà phê dầu hào vào. Tắt bếp ngay là được món tôm xào sấu chua tuyệt ngon.
Tôm xào sấu chua sẽ là món đổi vị cho gia đình bạn. Làm mới vị tôm thường ngày bằng cách thêm vào đó chút chua thanh mát của sấu giúp món ngon tăng phần hấp dẫn.

Sấu dầm muối ớt
Nguyên liệu:
Sấu xanh 500g
Ớt bột
Muối
Đường
Cách thực hiện
Bước 1: Ướp sấu với đường
Cắt sấu thành miếng nhỏ, cho cả phần hạt và phần cùi sấu vào bát to.
Cho khoảng 3 – 4 thìa đường vào, xóc đều cùng các nguyên liệu để sấu ngấm đường. Trong trường hợp bạn không ăn được chua thì có thể tăng lượng đường lên và ngược lại. Thời gian ướp sấu với đường là 20 phút.
Bước 2: Ướp sấu với muối, ớt
Sau khi đã ướp sấu với đường, bước tiếp theo bạn cần ướp sấu với muối, ớt. Liều lượng muối, ớt cho vào tùy thuộc vào khẩu vị của bạn. Nếu thích ăn cay thì bạn có thể cho thêm nhiều bột ớt hơn.
Xóc đều để các gia vị thấm đều vào miếng sấu. Đợi trong khoảng 20 phút là được.
Chỉ một vài công thức đơn giản, bạn đã có ngay món sấu dầm muối ớt chua cay giòn giòn đầy dư vị.

Quả sấu giá bao nhiêu tiền 1kg
Hiện nay, giá sấu bán lẻ trên thị trường đang dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Còn giá buôn từ 50kg trở lên rơi vào khoảng 17.000 đồng/kg. Nếu khách mua “lười” cạo vỏ thì cũng có sấu đã cạo sẵn, nhưng giá sẽ tăng thêm 3.000 đồng/kg. 1 hộp sấu ngâm đường sẵn có giá khoảng 70.000 đồng cho 1kg sấu, giá không chênh lệch với sấu tươi nhiều.
Mời bạn tham khảo: