Cập nhật vào 10/12
Những phiên chợ sớm mai đã lác đác thấy chùm nhãn đầu mùa. Cái vị ngọt ngọt thơm thơm của thứ quả này khiến tôi lại nhớ đến nhãn lồng Hưng Yên – loại quả gắn với biết bao câu chuyện, giống như huyền thoại cứ kể mãi không hết.
1. Nhãn lồng nổi tiếng từ bao giờ?
Ở chùa Hiến có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là tiêu biểu của địa phương. Cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh. Dân gian tương truyền, xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua.

Tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Thứ sản vật quý ấy nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các thương lái đến xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản với số lượng lớn ở thế kỷ XVI – XVII. Nhà bác học Lê Quý Đôn ăn nhãn tiến vua mô tả: “mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
2. Vì sao gọi là “nhãn lồng”?
Lý giải về cái tên “nhãn lồng” các bậc tiền bối trong làng có câu trả lời như sau: “Vì nhãn là loại quả khi chín có mùi thơm nên thường bị chim, chuột và dơi… phá hoại, gây mất năng suất nên các vị thành hoàng cùng người dân trong làng đã nghĩ ra cách dùng tre tươi đan thành lồng che chắn vào chùm nhãn để bảo vệ quả nên gọi là nhãn lồng”. Từ đó, nhãn lồng trở thành cái tên quen thuộc. Nhiều người chưa rõ hay gọi là “nhãn nồng” vì tưởng ý nghĩa chỉ dừng lại ở cái thơm nồng của quả.
3. Nhãn lồng đã trải qua cuộc chiến sinh- tử thế nào?
Năm 1947, một cơn bão lớn quét qua thành phố Hưng Yên, do là cây nhãn lâu năm, thân mục ruỗng nên cành cây đã bị gãy mất một nửa. Hiện tại, cây nhãn tổ giờ chỉ còn lại một nhánh con, nhánh cây này được nhà chùa và người dân chăm sóc phát triển thành cây nhãn “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến- Hưng Yên.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Sơn – Trụ trì chùa Hiến: “Từ khi về chùa, năm nào nhãn cũng sai quả”. Theo bà con quanh vùng, đây chính là điềm lành. Mặc dù bây giờ nhãn của cây nhãn tổ không to như trước nhưng vẫn có rất nhiều người muốn được nếm thử hương vị của nó. Nhà chùa rất vinh dự khi được quản lý và chăm sóc cây nhãn tiến, nguồn gốc của các giống nhãn bây giờ.
Xem thêm:
4. Mùa chính của nhãn lồng
Nhãn ra hoa vào đúng mùa xuân, những ngày có cả mưa phùn và lạnh. Nếu vào dịp có nắng ấm, hương thơm sẽ tỏa nhẹ thơm mát làm ngây ngất lòng người. Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, có những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng chất đất nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon nổi tiếng mà không địa phương nào có được.
Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước. Bóc một lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà. Đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. Bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát.
Tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ. Đến Hưng Yên vào mùa này, đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Nếu đến Hưng Yên vào mùa này, bạn hãy thưởng thức vị ngọt thơm của thức quả này và mua về làm quà cho mọi người nhé.
Vậy là bạn đã có thêm thông tin hữu ích về nguồn gốc của nhãn lồng Hưng Yên. Nếu bạn tò mò về nguồn gốc của quả ổi, bạn hãy tham khảo thêm bài viết: Quả ổi có nguồn gốc từ đâu?