Cập nhật vào 14/01
Miền Tây được xem là vừa trái cây lớn nhất tại Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng bởi rất nhiều loại đặc sản trái cây thơm ngon có thể hấp dẫn mọi thực khách.
Nói đến miền tây chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các loại trái cây thơm ngon bổ dưỡng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa, quanh năm nắng ấm, đất đai màu mỡ, ở đây mùa nào thức đó, không bao giờ thiếu các loại hoa quả.
Các loại trái cây phổ biến của miền tây phải kể đến như bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, măng cụt, cam, quýt, cóc, ổi, mận, mãng cầu… hoặc các loại trái cây ít được người dân các vùng khác biết đến như me, khế, điều (trái đỏ), nhãn lồng, bần, bình bát, lê ki ma, dừa nước, bồ quân, dâu…trái nào cũng thơm ngon, có vị đặc trưng riêng. Chúng ta hãy cùng điểm qua những quả đặc trưng của xứ sở miền tây nhé.
Sầu riêng
Sầu riêng là một loại quả có mùi hương rất đặc biệt. Ở miền tây Nam Bộ người ta mệnh danh sầu riêng là ông vua trái cây vùng nhiệt đới. Trong các loại trái cây miền tây thì sầu riêng là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, cho giá trị kinh tế cao. Đặc điểm của sầu riêng miền tây là ruột vàng, hạt lép và ít bị sượng. So với các loại sầu riêng những vùng khác thì sau riêng nơi đây là số một.
Sầu riêng là loại quả rất đặc trưng tại miền Tây
Dừa xiêm
Đến với miền Tây đặc biệt là vùng Bến Tre bạn sẽ choáng ngợp với những rặng dừa trĩu quả. Dừa có rất nhiều loại như: dừa ta, dừa dâu, dừa xiêm, … Người dân trong vùng thường trồng dừa lấy nước, mang lại kinh tế rất cao.
Dừa là loại cây ăn trái dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc mà lại cho giá trị kinh tế cao. Nước dừa được mệnh danh là một loại nước tinh khiết, an toàn cho người sử dụng.
Dừa sáp Cầu Kè
Nếu như dừa xiêm chiếm ưu thế về số lượng ở miền tây, thì dừa sáp chính là “bà hoàng” trong tất cả các loại dừa. Mà nhắc đến thương hiệu dừa sáp thì chẳng thể bỏ qua làng dừa sáp ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh – vùng đất cho ra được loại dừa sáp ngon lành không nơi đâu sánh được.
Cơm dừa dày và đặc, xôm xốp, mềm dẻo, béo hơn những loại dừa khác, nước sền sệt, trong veo như sương sa. Không những “vô địch” về thương hiệu, mà dừa sáp Cầu Kè còn “bất bại” cả mặt kinh tế, mỗi trái được bán ra với giá không dưới 100 ngàn đồng.
Quýt Cái Bè
Quýt Cái Bè từ lâu đã trở thành loại quýt “độc nhất vô nhị” ở miền Tây, và đưa địa danh huyện Cái Bè (Tiền Giang) trở nên nổi tiếng.
Quýt Cái Bè có da trơn láng, vỏ mỏng, màu vàng bắt mắt, khi ăn có vị ngọt thanh, múi mọng nước và có mùi thơm rất đặc trưng. Chính những đặc điểm này mà khó có một loại quýt nào “qua mặt” được quýt Cái Bè.
Xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc được mệnh danh là vua của các loại xoài bởi thịt nó có màu vàng ươm, độ chắc thịt cao, ít xơ, mịn, dẻo và rất ngọt.
Giống xoài này được biết đến đầu tiên khi được trồng ở xã Hòa Lộc cũ, nay thuộc xã Hòa Hưng (Cái Bè, Tiền Giang). Xoài cát Hòa Lộc cùng với quýt đường là một trong những loại trái cây giúp huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang được nhiều người mệnh danh là “Vùng đất của trái ngon”.
Xoài Hòa Lộc ăn rất giòn và thơm
Vú sữa Lò Rèn
Nhắc đến vú sữa Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) – loại vú sữa không những nổi danh ở đồng bằng Sông Cửu Long mà còn được nhiều người dân trên cả nước biết tới.
Với vị ngọt thanh, mát dịu và bóng mịn, có thể nói vú sữa Lò Rèn không có đối thủ cạnh tranh ở thị trường nội địa. Đặc biệt, từ khi nhận được tiêu chuẩn GlobalGAP, vú sữa Lò Rèn càng trở nên nổi tiếng và mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Bưởi da xanh Bến Tre
Bưởi da xanh Bến Tre có nguồn gốc ở xã Tân Thanh, huyện Mỏ Cày. Thứ quả này được phát hiện thông qua các kỳ hội thi trái cây ngon do Viện cây ăn quả miền Nam kết hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ. Đây là loại trái cây quý, là món ăn ngon và bổ dưỡng, đồng thời còn là bài thuốc phòng và trị bệnh do thiếu vitamin cùng các khoáng chất.
Đúng như tên gọi, bưởi da xanh khi chín vẫn giữ nguyên màu xanh. Tép bưởi bên trong có màu hồng, ráo nước và có rất ít hoặc không có hạt. Múi bưởi khi ăn mang hương vị ngọt thanh đậm đà, rất sảng khoái.
Sơ ri Gò Công
Sơ ri Gò Công có thịt chắc, vị chua ngọt tự nhiên, giòn, múi không quá to và da căng bóng, là những đặc điểm để giúp sơ ri Gò Công xứng đáng được mệnh danh là giống sơ ri ngon nhất miền tây Nam Bộ.
Không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, ngày nay sơ ri Gò Công đã thuyết phục được nhiều thị trường nước ngoài khó tính, như: Nhật Bản, Singapore, Hong Kong… Qua đó, giúp địa danh Gò Công (Tiền Giang) càng trở nên phổ biến.
Sơ ri Gò Công có vị hơi chua và giòn
Dứa (khóm) Tân Phước
Với diện tích hơn 16.000 ha đất trồng khóm và sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm, Tân Phước là khu vực đứng nhất, nhì cả nước về diện tích khóm. Có lẽ vì vậy mà nhiều người biết đến địa danh huyện Tân Phước (Tiền Giang) là nhờ loại cây trồng này.
Đặc biệt, khu vực này là vùng có đất phèn, nhưng người dân lại trồng khóm thành công và cho ra loại quả có vị ngọt thanh khiết. Bởi vậy, nhiều người dân miền Tây ví von địa danh này là “Vương quốc của loài khóm”.
Dâu Hạ Châu
Dâu Hạ Châu là loại cây ăn trái tiêu biểu khi nói về huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Dâu Hạ Châu chín có màu vàng nhạt, da căng mọng, vị ngọt thanh rất hấp dẫn và toàn huyện hiện có khoảng 600 ha trồng loại dâu này.
Cóc cầy
Mang hương vị chua chua và có mùi thơm rất riêng biệt, trái cóc vẫn luôn khiến người ta phải nhớ đến mỗi dịp thu về, thường vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch. Trái cóc được cho là một thần dược cho mọi người, có tác dụng chữa bệnh như chữa đau họng, sinh tân dịch, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, giải khát và giải nhiệt.
Trái cóc khi còn non ăn rất giòn và ngọt
Có thể nói với hương vị thơm ngon, đặc trưng, phong phú mà ít nơi nào có được đã giúp cho hoa quả miền tây ngày càng trở nên phổ biến, được đưa đi bày bán ở nhiều nơi và rất nhiều người dân thích. Thế mới nói miền tây là xứ sở của hoa thơm quả ngọt, nơi có những hương vị khó quên mà bất kỳ ai cũng muốn được thưởng thức.